LÝ TIỂU LONG… Năm 2010, nhân cột mốc 70 năm ngày - TopicsExpress



          

LÝ TIỂU LONG… Năm 2010, nhân cột mốc 70 năm ngày sinh ngôi sao võ thuật quá cố Lý Tiểu Long, một lễ hội văn hóa đã được tổ chức vào ngày 23-11-2010. Chương trình được đánh dấu bằng việc khánh thành bức tượng đồng Lý Tiểu Long cao nhất thế giới (18,8m) do nghệ nhân điêu khắc lừng danh Tào Sùng Ân thực hiện, đặt tại Lý Tiểu Long Lạc Viên (Thuận Đức, thuộc Phật Sơn, Quảng Đông) – nguyên quán của dòng họ Lý. Ngày 19-7-2013, nhân dịp 40 năm ngày mất của Lý, loạt sự kiện tưởng niệm lại được tổ chức ở Hong Kong và nhiều nơi thế giới… Wall Street Journal cho biết hình ảnh Lý Tiểu Long vẫn có thể được khai thác thương mại và mang lại doanh thu khoảng 2,5 triệu USD/năm. Gương mặt góc cạnh đầy nam tính của ngôi sao quá cố này đã được in trên tem nhiều nước thế giới, trong đó có Gambia, Madagascar và Tajikistan. Một bức tượng của Lý tại Mostar (Bosnia and Herzegovina) đã trở thành nơi tổ chức các chương trình vì hòa bình từ khi nó được dựng năm 2005. Và tại khu phố Tàu ở Los Angeles, giới chức địa phương đang xem xét một đề nghị dựng tượng Lý Tiểu Long. Còn ở Nhật và Hong Kong, từ đầu năm 2010 đến nay, nhiều liên hoan phim đã dành thời lượng chương trình đáng kể để nhắc lại sự nghiệp điện ảnh họ Lý. Chẳng có gì có thể giúp thấy rõ sự bất tử của Lý Tiểu Long bằng việc hình ảnh Lý được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong quảng cáo thương mại. Năm 2009, hãng Nike tung ra loại giày Nike Zoom Kobe V Bruce Lee được tiếp thị với ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant trong tư thế kung fu. Trước đó một năm, Nokia cũng giới thiệu “dòng điện thoại Lý Tiểu Long” với phiên bản đặc biệt mang hình Lý ở mặt sau điện thoại. Riêng tại Trung Quốc, hình ảnh Lý xuất hiện ở vô số sản phẩm, từ kem đánh răng đến thế hệ tivi Viera 3-D mới nhất của Panasonic… Kristopher Storti – luật sư của Bruce Lee Enterprises (nơi chịu trách nhiệm khai thác và bán bản quyền hình ảnh Lý Tiểu Long) – nói rằng công ty mình đang nhắm đến mục tiêu đạt doanh thu hàng năm 5 triệu USD, tương đương với doanh số khai thác thương mại hình ảnh những huyền thoại phương Tây như Steve McQueen và James Dean. Sau khi giành lại được quyền kinh doanh hình ảnh Lý Tiểu Long từ hãng Universal Studios năm 2008, bà Lý Hương Ngưng (Shannon Lee, con gái Lý Tiểu Long) đã ký nhiều hợp đồng sử dụng hình ảnh cha mình, trong đó có thương vụ với Lucky Brand Dungarees Inc, Charter Communications Inc, Greenlight thuộc tập đoàn Corbis Corp (nơi là “đại diện thương mại” của Albert Einstein, Steve McQueen…). Không chỉ trong các sản phẩm thương mại, tiểu sử, sự nghiệp võ thuật cũng như điện ảnh của Lý Tiểu Long cũng được tái hiện nhiều lần. Gần đây, cuối tháng 11-2010, bộ phim Lý Tiểu Long (với các ngôi sao Lương Gia Huy, Chung Lệ Đề, Trương Triệu Huy, Trịnh Đan Thụy…) đã ra mắt. Diễn viên thủ vai Lý Tiểu Long là Lý Trị Đình (Aarif Lee, từng nổi đình đám vào đầu năm 2010 với Tuế Nguyệt Thần Thâu). Năm 2011, một vở nhạc kịch về Lý Tiểu Long thậm chí sẽ được trình diễn tại sân khấu Broadway. Đằng sau vở nhạc kịch này là những tên tuổi khổng lồ làng kịch nghệ Mỹ, như nhà sản xuất Stuart Oken (nguyên phó chủ tịch phụ trách bộ phận kịch nghệ của Walt Disney Co, người từng đưa The Lion King lên Broadway); đạo diễn Bartlett Sher (với vở South Pacific từng giành 7 giải Tony năm 2008); kịch tác gia Hoàng Triết Luân (người soạn M Butterfly; từng giành Tony); nhạc sĩ David Yazbek… Vào dịp sinh nhật lần thứ 70 của Lý Tiểu Long, có hai người hâm mộ từ hai nơi địa điểm thế giới cách nhau hàng ngàn dặm đã gặp nhau trên mạng để cùng soạn một vở nhạc kịch về Lý. Đó là Hans Ebert (giám đốc điều hành tiếp thị hãng sản xuất nhạc We-Enhance Inc ở Hong Kong; từng là giám đốc điều hành Universal Music và EMI Music) và nhạc sĩ Jon Harrison ở Anh. Với chương trình lễ hội đình đám tại Quảng Châu những ngày cuối tháng 11-2010 cũng như dịp 40 năm ngày mất đang được tổ chức nhiều nơi tại Hoa lục, đây là một cột mốc nữa cho thấy Hoa lục bắt đầu thật sự mở cửa đón nhận huyền thoại Lý Tiểu Long “trở về”. Tại sao? Vì Lý Tiểu Long là huyền thoại? Tất nhiên. Nhưng còn một lý do nữa. Đó là vì Lý Tiểu Long có thể được xem là gương mặt quen thuộc nhất hiện nay khi đề cập đến “giá trị bền vững” của văn hóa giải trí Trung Quốc đương đại (dù trong thực tế, Lý Tiểu Long chưa từng sống ở Hoa lục, dẫu chỉ một ngày). Làm đậm hình ảnh Lý Tiểu Long đã trở thành một “chiêu” trong chính sách quảng bá Trung Quốc bằng công cụ “quyền lực mềm” thời toàn cầu (phim ảnh Lý Tiểu Long từng bị cấm tại Trung Quốc thời Mao Trạch Đông). Hẳn chẳng phải tự nhiên mà năm 2008, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) chịu bỏ ra 50 triệu tệ (7,3 triệu USD) để gặp bà Lý Hương Ngưng mời hợp tác sản xuất bộ phim truyền hình 50 tập mang tựa Huyền thoại Lý Tiểu Long (với diễn viên Hong Kong Trần Quốc Khôn trong vai Lý Tiểu Long) và sau đó bán rộng rãi cho nhiều nước, đặc biệt khu vực châu Á (trong đó có Việt Nam, được HTV2 phát sóng vào tháng 5-2009). >>>>>>>>> Năm bộ phim đưa Lý Tiểu Long trở thành huyền thoại: Đường Sơn Đại Huynh (The Big Boss, 1971); Tinh Võ môn (Fist of Fury, 1972); Mãnh long quá giang (Way of the Dragon, 1972); Long tranh hổ đấu (Enter the Drangon, 1973); Tử vong đích du hí (The Game of Death, 1978 – được thực hiện sau khi Lý Tiểu Long mất).
Posted on: Fri, 19 Jul 2013 14:17:57 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015