Miên man tiếng vọng lòng đêm (Ng Hồng Chí) 12 giờ. - TopicsExpress



          

Miên man tiếng vọng lòng đêm (Ng Hồng Chí) 12 giờ. Đêm xứ người nằm chong chong không ngủ được. Nghe tiếng con possum rón rén đi trên nóc nhà mà tưởng là chuột đang phá la phông, má kêu ngày mai con đi qua nhà ông Ba mượn cái bẫy... 12 giờ. Đêm xứ người nằm chong chong không ngủ được. Nghe tiếng con possum rón rén đi trên nóc nhà mà tưởng là chuột đang phá la phông, má kêu ngày mai con đi qua nhà ông Ba mượn cái bẫy... Chắc giờ này má cũng đang nằm ngóng tai nghe tiếng chuột khúc khích đâu đây, chẳng buồn đặt bẫy nó làm chi vì tiếng chụt chịt cũng vui cửa vui nhà, mà má lại tin rằng chuột kêu là có khách đến, chắc con má sắp về nay mai. Nhớ thằng con út xa nhà, mấy đêm này trời mưa dữ lắm, không biết nó ngủ có nhớ đắp cái mền, mặc cái áo vào hay không. Chứ xứ này đang là mùa đông lạnh giá. Nằm thở ra khói. Buổi sáng tinh mơ con thèm hóng nắng, nhớ nhà, nhớ má, nhớ dây mướp con trồng mấy độ gió trở chướng nở bông vàng hực, nhớ những ngày tháng không mùa quê hương. Con viết vội một bài thơ, “Mướp hương lật lá bông vàng mượt, Nửa chừng thu trước chắc chưa vơi!” để rồi lặng lẽ kết lại,“Khách hỏi ngô đồng vàng cô quạnh, Quê nhà nắng có lạnh thế không?” 2 giờ. Đêm xa nhà ta nằm chong chong không ngủ được. Tiếng xe quét rác hút bụi rồ rồ ngoài đường Moggill, chợt nhớ tiếng chổi lẹt quẹt của những công nhân quét đường Cần Thơ. Một hai giờ sáng, ta nằm lặng thinh không trở mình nghe tiếng chổi thưa, lặng lẽ đếm thời gian trong khoảng giao nhau giữa đêm và ngày, nghe tiếng còi xe đông lạnh chạy vun vút trên đường quốc lộ, nghe tiếng dì Ba kế bên nhà đánh răng cành cạch chuẩn bị cho chuyến giao hàng ở Vị Thanh, càng thấm thía biết bao nhọc nhằn của những cuộc hành trình mưu sinh. Ta hình như cũng nghe tiếng lốc cốc hủ tiếu gõ khoan nhặt, ấy là khoảnh khắc yên bình dành cho những tay chơi khuya về sáng. Xứ người làm gì có hủ tiếu mà ăn, càng không có chuyện người ta đi bán dạo đến tận nhà như vậy! Hình như ta loáng thoáng nghe tiếng chó sủa ma vu vơ tận đẩu đâu. Nơi này người ta nuôi chó nhiều lắm, nhưng nhốt chúng vào nhà thì thấy ma đâu mà sủa với tru. Rồi ta miên man chợt bật cười vì những câu chuyện ma không hồi kết cuộc của hẻm 10A thời đi học. Giữa xóm có một chòm mả, nên tên gọi thường ngày là hẻm Chòm Mả, hay tụi sinh viên như mình thì kêu là Xóm Ma. Mà nghe nói ở đây có ma thật. Thằng Tài ghẹo gái về khuya với tụi thằng Lộc, thằng Bình, đang đi tự nhiên nó nói đói bụng, đòi kiếm bánh canh ăn. Nửa đêm nửa hôm thì lấy ai mà bán bánh canh. Tụi kia cười lăn chiên, bỏ mặc nó. Vậy mà sáng hôm sau ông Ba đi tập thể dục sớm thấy nó nằm ôm gò mả ngủ chèo queo, miệng mồm dính đầy đất sét. Kêu nó dậy, nó ngu ngơ nói hồi hôm có bà già bán cho nó tô bánh canh tép, ăn xong thì buồn ngủ rục con mắt. Ấy là ma cho nó ăn. Rồi chị Tư cũng thấy ma, một cô gái dắt một em bé đi lang thang ngoài đầu cầu bắt qua đường mương đen kịn mà trước đây từng là con kinh nối với rạch Cái Chanh. Chị Tư thấy lạ nói trong xóm mình làm gì có con nít. Tưởng là khách đến tìm, chị chạy ra đầu cầu thì chỉ thấy một con chó cái đang tru thảm thiết… Vậy là chị bị ma ám, sợ đi đêm từ đó. Ma với cỏ, xứ Tây họ không tin như vậy. Mà hình như mình cũng chưa từng gặp hay nghe nói về ma Úc bao giờ cả. Bỗng thèm được tụm năm tụm bảy, chọt lét đứa này đứa kia nói ma bên hông mày kìa, sợ không. Ở đây giỡn như vậy chắc họ cho mình khùng hay có vấn đề về tâm sinh lý chứ chẳng chơi! 3 giờ có hơn. Tỉnh rụi nhìn ra ngoài hiên, ta chong chong không ngủ được. Đêm mùa đông trăng sáng vành vạnh, lạnh buốt thấu vào xương, tấm ra trải giường, cái mền, cái gối cũng lành lạnh xa xôi. Thâu đêm suốt sáng cũng không nghe được một tiếng gà gáy, dẫu ánh trăng sáng bàng bạc khắp một vùng. Chỉ nghe tiếng lá rơi đều đều nhè nhẹ, chắc là lá Jacaranda đang âm thầm rơi cho trọn một mùa, một kiếp cưu mang những bông tim tím ngan ngát để bình minh nở vội. Mùa này bên mình chỉ có phượng hồng nở đỏ cả thị thành, tụi học trò háo hức bẻ những cành hoa đỏ, chở đầy rổ xe, mặc cho chú bảo vệ trường la làng chạy ành ạch đằng sau. Chẳng để làm gì hết, chỉ để tặng cô bạn ngồi kế bên, cho nàng vô tư vặt từng cánh hoa không thương tiếc, giả vờ ngây thơ nói mình yêu màu đỏ của hoa như màu tình yêu nồng đượm. Nhưng giờ nàng cũng đã đi xuất khẩu lao động mất biệt rồi. Hôm qua mình có gọi điện hỏi thăm, nàng khóc thút thít nói nhớ nhà quá đi, hỏi vé máy bay từ Đài Bắc về Sài Gòn bao nhiêu tiền, hãng nào là rẻ nhất, nên mua quà gì cho từng người. Rồi nàng cười váng trong phôn, nói chơi vậy mà ông cũng tin thiệt hả, hợp đồng tui ba năm lận, có bao nhiêu tiền dư tui gửi cho mẹ trả nợ tiền đặt cọc cho tui lúc làm giấy tờ hết trơn rồi. Mà ông ơi, tự nhiên tui thèm ăn cóc ngâm chấm mắm ruốc quá chừng, làm sao hả? Ăn trong tưởng tượng vậy, Liên ơi! Cóc non ở chợ người Việt sáu đồng một ký, mình mà ăn tụi Tây gớm chết: chua lè lại chấm thứ chi hôi rình nhà cửa! Thôi đành vậy, bạc tiền âu là cái nợ tục trần mà ai cũng phải lụy, phải vương. Hẹn một ngày hè năm nào đi bạn nhé, năm nào cũng được, để mình còn có một niềm mong mỏi, một sự đợi chờ, mình sẽ về trường Đoàn Thị Điểm mua cho bạn một trăm ngàn đồng cóc ngâm để ăn rụng răng luôn, và tặng bạn một nhành hoa giả to tướng không tàn không úa mà bạn có thể đem cùng mình đến xứ Đài xa lơ xa lắc! 5 giờ sáng. Mặt trời còn mãi rong chơi trên bắc bán cầu. Tiếng còi xe lửa chuyến đầu tiên vừa dừng ở trạm Indooroopilly. Quê mình không có xe lửa chạy luẩn quẩn trong nội thành nên giờ sáng chúng tôi thường bị đánh thức bởi những bài tập thể dục trên đài VTV1 mà bà chủ nhà trọ thường mở để tập giảm cân, xem ra cũng hình thức lắm vì bà ấy thích lắc vòng hơn. Dì Tư tính tình xởi lởi, đãi bôi với người mới tới, âu cũng là một chiêu tiếp thị phòng trọ thời kinh tế tri thức toàn cầu. Ngày xưa dì học hết Tú tài, tại dượng Tư mày hỏi cưới, chứ chuyện học hành là dì đây ưu tiên số một. Nè con ơi, dì ăn chay trường, niệm Phật suốt. Nè con ơi, con có chiếc chiếu chưa, đến đây dì Tư cho mượn, chứ sinh viên thì tiền bạc đâu mà thứ gì cũng sắm sửa… Cuối tháng thì hơi bị khác đi một ít. 30 tây rồi nhe mậy! Tháng này tao lên tiền điện thôi, lạm phát đó con! Cũng chẳng sao vì lẽ đời là vậy. Khéo co thì ấm. Thôi thì tụi tôi không ăn hủ tiếu sáng nữa, mà đón mua bánh mì, chấm nước mắm cũng xong. Đúng năm giờ rưỡi bao giờ cũng có ông già ốm nhom đạp xe bánh mì chạy ngang qua, bất kể người trong hẻm còn đang ngon giấc, ông mở cái loa cũ mèm to đùng, phát mãi một điệp khúc lê thê “Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm ngon. Bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ!” Chả phải Sài Gòn gì sất, tôi hỏi riết, ông nói lấy bánh ở tiệm Mỹ Hưng đường Hùng Vương nè chứ đâu! Hửng sáng. Quạ kêu tan tác rời bầy. Quang quác quàng quạc nhuốm đầy mùi trần tục. Ta chợt cười, chim chóc thì biết gì trần tục với thần tiên! Chứ quạ này là do người Úc đem về từ xứ khác nhằm diệt trừ mấy con cóc dở hơi to bằng bàn tay vàng khè gây bệnh khắp nơi. Mà cóc lại từng được “nhập khẩu” nhằm diệt tụi cào cào châu chấu phá đồn điền mía! Chợt nhớ chợt thương tiếng chim bắt muỗi nhỏ xíu giờ này đã chíu chít soi mình trên mấy cái lu nước mưa ba trữ bên hè. Cũng là lúc cả xóm thức dậy bằng tiếng súc miệng òng ọc, khò nước rồ rồ, hoặc rồi tiếp tục rống cổ chửi chị hàng xóm sớm qua mượn tiền đi chợ còn chưa trả, bộ muốn quỵt của tao chắc! Tiếng con bìm bịp kêu nước lên buổi sáng nghe chừng khắc khoải, mênh mông một kiếp ruộng vườn. Ta lười nhác, nướng mình, hếch mắt nhìn ra đám ruộng phía sau. Từng cọng cỏ còn nhuốm đầy hơi sương đêm trước, nghe tiếng dế mèn rỉ ri đuối dần trong từng bờ ruộng. Bình minh. Bình minh. Giờ này đã nghe tiếng ông già ăn xin thổi cây didgeridoo bên ngoài siêu thị đối diện nhà rồi. Trời lạnh căm căm. Ông già dắt theo con chó to cỡ con voi nhưng hiền hết cỡ. Nó biết liếm chân mỗi khi bạn cho chủ của nó vài xu lẻ, rồi lặng lẽ nằm cạnh ông để đôi khi ông lão đặt một tay đã mỏi lên mình nó. Nó là một con vật trung thành hiếm thấy vì cả đời chắc không biết rong chơi với đồng loại là gì. Nó dắt ông lão mù lang thang khắp vùng, nơi đến sớm nhất là trung tâm mua sắm này, có lẽ ông ấy cần ít tiền ăn sáng chăng? Tiếng didgeridoo của ông không hay ho gì cho lắm, è è ù ù như tiếng gió hú bên góc đồi. Nhưng giữa chốn phù hoa đô hội, tiếng kèn cũng gợi cho người dưng chút tò mò, chút thương cảm thêm một ít phần thú vị về mặt thưởng thức nghệ thuật phổ thông. Ăn xin quê mình không chơi âm nhạc thì phải, phần vì họ không thể, phần vì điều này hơi quái lạ (chắc bị cho là nghèo mà còn chơi sang). Nhưng tôi nhớ rất rõ ở trước cổng trường đại học có một người ăn xin bị bại liệt toàn thân nằm trên một tấm ván nhỏ có bánh xe, thường hay mở một băng cát-xét niệm toàn kinh Phật. Nhiều người dừng xe, cúi cho anh dăm ngàn lẻ. Ngoài lẽ cảm thương anh là người tàn tật, có thể nhiều người muốn lặng mình một thoáng nghe lời kinh dạy bảo của Đức Phật từ bi, mong cuộc đời vơi trầm luân khổ nạn. “Trong khổ hải đò từ vẫn đợi, Vớt chúng sanh đưa tới Niết Bàn. Chín tầng sen báu đài vàng, Di Đà thọ kỷ rõ ràng thảnh thơi”. Ngày mới. Một đêm không ngủ, tiếng đêm cũng chẳng còn. Tiếng xe hơi bắt đầu vùn vụt ngoài đường. Tự pha cho mình một ly cà phê Trung Nguyên chính hiệu, đập một vài cục nước đá cho giống ly cà phê đá quê nhà dù mình đang lạnh run lập cập, tôi mở máy tính và tìm đọc báo điện tử Việt Nam rồi kiểm tra email. Vẫn không có tin gì mới. Chậc, lại cứ quên hoài, giờ này Việt Nam chỉ mới bốn giờ sáng mà thôi!
Posted on: Tue, 16 Jul 2013 12:40:14 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015