MỘT SỐ CẢM TƯỞNG CỦA QUÝ ĐỘC GIẢ SAU KHI ĐỌC - TopicsExpress



          

MỘT SỐ CẢM TƯỞNG CỦA QUÝ ĐỘC GIẢ SAU KHI ĐỌC CUỐN SÁCH XUẤT BẢN LẦN THỨ NHẤT ********* CẢM TƯỞNG KHI ĐỌC CUỐN SÁCH: “DỊ NẬU – LỊCH SỬ MỘT LÀNG QUÊ” CỦA TÁC GIẢ TẠ ĐÌNH HẠP XÃ DỊ NẬU-HUYỆN TAM NÔNG-TỈNH PHÚ THỌ. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh Điều hạnh phúc đối với tôi và các đồng nghiệp trong Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhân dịp được Hội BVTN&MT tỉnh Phú Thọ và UBND xã Dị Nậu, huyện Tam Nông mời về dự lễ gắn bia Vinh danh Cây Thị cổ thụ (Diospyrosdecandra lour) và cụm 7 cây hoa đại (plumeria rubra L) là Cây Di sản Việt Nam vào ngày 22-5-2012. Trong buổi lễ long trọng này chúng tôi cùng bà con xã Dị Nậu được đứng dưới bóng cây Thị đại thụ xum xuê, xanh tốt đã hơn ngàn năm tuổi trước miếu thờ Đức Thánh Tản Viên ở chòm Nam và 7 cây hoa Đại cổ thụ với tuổi thọ trên 700 năm đang xanh tươi, lan tỏa hương thơm ngào ngạt trên đường vào chùa Thiên sinh Bà Nhan ở gần đền Quốc Tế - một địa danh linh thiêng của miền đất tổ Hùng Vương linh kiệt, hào hùng luôn tỏa sáng niềm tin cho con cháu muôn đời. Một niềm vui vô hạn đối với tôi – một người con xứ Quảng được chào đón và lắng nghe những giọng hò thanh cao, êm dịu của những chàng trai, cô gái của quê hương Dị Nậu, một mảnh đất anh hùng đã được nhà nước phong tặng. Thật cảm động khi nghe những lời phát biểu chân tình của các vị lãnh đạo xã, căn dặn bà con hãy chung sức bảo vệ thật tốt cây xanh trong đường làng, ngõ xóm, đặc biệt là các cây cổ thụ đã được Hội BVTN&MTVN công nhận, gắn bia là Cây Di sản Việt Nam. Thật là xúc động khi được nghe những lời phát biểu của thầy giáo Tạ Đình Hạp – một nhà giáo đầy tâm huyết với quê hương Dị Nậu. Không những được nghe mà tôi còn may mắn được đọc cuốn sách: “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” của tác giả Tạ Đình Hạp do Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2011. Tôi vô cùng cảm phục và trân trọng cảm ơn thầy giáo đã mang đến cho tôi một bức tranh tổng thể, sinh động, đa sắc, đa chiều bao quát toàn bộ quá trình hình thành, phát triển đầy thăng trầm, vượt mọi gian khó, dũng cảm kiên cường rất đỗi tự hào của một làng quê trung du bên bờ sông Hồng. Qua những chuyện kể trong sách của Thầy, tôi thấy mình đang đứng trước một vùng quê mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây sự trù phú của tài nguyên đất, sự dồi dào của tài nguyên nước, sự tuyệt diệu của tài nguyên khí hậu, sự phong phú đẹp đẽ của cảnh quan nông thôn, sự giàu có của tài nguyên đa dạng sinh học và đặc biệt còn bảo tồn được một kho báu đồ sộ vô giá về những danh thắng lịch sử văn hóa tại các ngôi đền, chùa, điện miếu từ thời Hùng Vương dựng nước. Tôi thật quá cảm phục một giảng viên chính không những dạy giỏi, chuyên sâu về môn vật lý mà thầy giáo Tạ Đình Hạp còn am hiểu sâu về nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn, lịch sử dân tộc, thiên văn, địa lý và cả các loài động thực vật vô cùng phong phú trong rừng Dị Nậu. Đọc những trang sách được trình bày một cách khoa học, logic về mối quan hệ khăng khít giữa lịch sử tự nhiên và xã hội, sự gắn bó hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, giữa đạo và đời. Cuốn sách như một bức tranh hoàn chỉnh, đã phản ánh trung thực về sự giàu có trong đa dạng sinh học; về cung cách bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử văn hóa; về cách ứng xử với rừng, với nguồn nước trong lành mà thiên nhiên đã ban tặng trên các đầm, suối - nguồn tài nguyên vô cùng quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau không những cho Dị Nậu mà còn vì lợi ích của 54 dân tộc anh em trên đất nước ta. Qua những trang sách đã toát lên tấm lòng yêu quý quê hương, đất nước của các lớp cha ông và các thế hệ hậu sinh về tinh thần trung dũng, kiên cường, vượt mọi gian khổ của người Dị Nậu để xây dựng nên một làng quê thanh bình, văn minh như ngày nay. Cuốn sách dày 449 trang đều được in chữ rõ ràng xen với những bức ảnh minh họa đẹp đẽ, sinh động cùng những lời văn giản dị nhưng đầy triết lý về tự nhiên và xã hội đã được nhà giáo Tạ Đình Hạp trình bày thật khoa học, khiến bao người vô cùng xúc động sau khi đọc xong cuốn sách của tác giả. Ngoài việc sưu tầm, biên tập những cuốn sách về lịch sử, tác giả còn có bao bài thơ tâm huyết được in trong các sách báo trung ương và địa phương. Xin chân thành cảm ơn tác giả, nhờ cuốn sách mà tôi và bầu bạn gần xa có cơ hội được ôm ấp trong tâm hồn mình một miền quê Dị Nậu yên bình, mến khách, một điểm đến đáng nhớ của du khách gần xa. Thiết nghĩ, đây là một tác phẩm, một nguồn tư liệu vô cùng quý giá với những kiến thức uyên thâm về khoa học tự nhiên, về địa chính trị sinh thái, về xã hội học, về tín ngưỡng tâm linh, về cuộc sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên…Đây là tác phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn rất lớn được thực hiện bởi một nhà giáo nơi thôn dã có tâm hồn trong sáng, luôn gắn đời mình với nơi chôn rau cắt rốn – đó là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo để biết sống vì mọi người, biết quý trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội – chính trị - đó là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Xin kính chúc thầy giáo Tạ Đình Hạp luôn mạnh khỏe để cống hiến cho đời nhiều niềm vui hơn nữa trong bao điều thú vị! Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2012. Người ghi cảm tưởng GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh Phó Chủ tịch Hội BVTN&MTVN Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam. XÚC ĐỘNG KHI ĐỌC CUỐN SÁCH “DỊ NẬU – LỊCH SỬ MỘT LÀNG QUÊ” Vũ Thi Nâng nưu cuốn “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” của Tác giả -Nhà giáo Tạ Đình Hạp do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2011 trên tay mà tôi cứ ngắm nghía bằng sự trân trọng bởi dáng vẻ sách đẹp, gam màu ấm áp, có sự lan tỏa thơm thảo dịu dàng. Với 450 khuôn trang chữ nghĩa đầy đặn, cuốn sách đã biểu cảm được nội hàm hình ảnh một làng quê Dị Nậu như người mẹ hiền, chất phác, phúc hậu của miền đất trung du bán sơn địa vẫn vươn lên không mệt mỏi qua mọi thử thách, thăng trầm từ mấy ngàn năm Lịch sử dựng nước và giữ nước. Ở mẹ vẫn tiềm ẩn biết bao trầm tích quý giá của ngàn đời, mà con cháu xưa nay vẫn chưa thấu hiểu để đáp đền cùng Mẹ! Khi đọc cuốn sách “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” tôi như lạc trong miền cổ tích với những di sản văn hóa cổ truyền, lịch sử, tập tục các dân tộc từ thuở khai sinh lập địa của nguồn cội Văn Lang. Dị Nậu với bao chiến tích cổ xưa, với bao tên tuổi Thánh thần từ khi đánh đuổi giặc Ân, khi các vua Hùng dựng nước, lúc cần vương chống quân xâm lược vẫn còn hiển hiện! May thay, tới lúc cao niên tôi vẫn còn kịp về với Dị Nậu qua ngọn bút có thần của Tác giả Nhà giáo – Nhà văn Tạ Đình Hạp – Tôi gọi thể bởi anh xứng đáng như vậy (Nhà giáo Tạ Đình Hạp là hội viên Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc). Cũng là đồng nghiệp, tôi quý trọng anh trong cái chất đằm thắm của văn chương, chân chất mộc mạc mà có hồn, có duyên cộng với sự tài hoa trong cách viết. Phải là người sinh ra và lớn lên từ hạt gạo, bắp ngô, từ củ khoai củ sắn với những cọng rau, bát nước đặc quánh mồ hôi nơi đồng đất cả ngàn đời nay, mẹ Dị Nậu tần tảo nuôi anh nên người. Và cũng phải là người yêu thần phả của quê hương tới mức nào…thì ngọn bút của anh mới có được cái thần thái, cái chận thiện đến hồn hậu như thế. Tôi cứ miên man cùng anh nơi Dị Nậu qua từng câu chữ, từng chi tiết của quê hương với những Chòm, Giáp, Rộc, Gò, Trang, Làng, Xã, Tổng cổ xưa, với những dòng Họ từng tên người, với những Đền, Chùa, Đình, Điện, Miếu, Quán v.v..Cho đến các chức sắc – Tên các cụ cố, cụ cổ từ ngày xửa này xưa cứ như Tạ Đình Hạp đang ngược dòng nhập hồn tái thế, trở về với mấy ngàn năm trước, lúc Thủy Tổ Lạc Long Quân và các Vua Hùng đã dày công dựng nước? Anh đang lục lọi tìm ra tất cả mọi điều từ thuở Hồng hoang lập địa ở quê anh. Anh kính cẩn mời về tất cả các bậc Minh Quân của Nhà Lê, Nhà Nguyễn trong 39 Đạo sắc phong mà các bậc Thánh hiền xưa đã tấn phong cho miền Địa linh Nhân kiệt này. Đọc “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” qua từng trang, từng chữ, tôi càng thêm tôn kính, ngưỡng mộ những con người – Những bậc hào kiệt xưa kia đã hiển Thánh, hiển Thần với những Đền chùa, Miếu điện trên khắp miền Đất nước, đặc biệt là quê hương Dị Nậu – Tam Nông – Phú Thọ…Tới đây tôi lại nhớ câu nói của cụ Nguyễn Trãi: “Xã tắc có lúc thịnh lúc suy – Nhưng Hào kiệt thì đời nào cũng có”! Qủa thật – Dải đất Tam Nông – Phú Thọ - Trong đó, đặc biệt có miền địa linh Dị Nậu được nằm trên mạch kinh tuyến minh thiêng 105 độ Đông của Vũ trụ chạy suốt thân thể Việt Nam từ đỉnh não Hà Giang đến gót son Cà Mau chót mũi. Dị Nậu như một cậu bé đầy đặn, khôi ngô tuấn tú với khuôn trang phương phức chữ điền nằm gọn trong dải phù sa châu thổ sông Hồng, y như nằm giữa vòng tay của mẹ Việt Nam. Thử hỏi miền đất nào được trời ưu ái cho bằng? Với cách viết nhân nha như kể chuyện, Nhà giáo Tạ Đình Hạp đã thành công trong vai dẫn viên du lịch sinh thái, đưa các Lữ hành độc giả về quê anh thưởng ngoạn những dấu ấn địa danh sinh cảnh, sinh tình với những núi rừng đủ loại gỗ quý, các loài động vật muông thú, điểu lâm đa dạng và những gò đồi xanh mướt sắn khoai. Với những con suối như Gò Giang, Phai Sông thơ mộng trong mát như dải lụa được thiên nhiên ban tặng từ ngàn xưa vẫn chảy, uốn lượn qua những núi đồi rồi cùng đổ về đầm Dị Nậu như những nàng tiên đang thả mình bơi lội, với đầy tôm cá hải sản mà bao đời nay đã nuôi sống những người con đất này; quanh năm vẫn cấp nước ngọt dư dả cho những cánh đồng phì nhiêu bát ngát. Đọc nhiều đoạn văn, tôi cứ nghĩ Nhà giáo Tạ Đinh Hạp đang viết tiểu thuyết về hương sắc, cảnh đẹp quê anh đang hiện hữu trong cuốn Lịch sử làng: “Từ xa, nhìn toàn cảnh đầm Dị Nậu như bức tranh thủy mạc khổng lồ mà ở giữa là màu trắng xen lẫn những bông hoa ngò, hoa súng có đủ sắc màu cùng những cánh chim trời chao liệng trên thảm lúa xanh rờn…”. Tôi đã đọc nhiều cuốn Tập Phả Lịch sử hoặc Tộc phả về những dòng Họ của những làng quê xưa, các Tác giả thường hay có ý lần lượt tập hợp những chiến tích, chiến công, những dấu ấn lịch sử, những quý nhân, những con người trong dòng họ như một sự thống kê hoàn hảo…Tuy nội dung sách rất quý, ý nghĩa sách sâu sa nhưng cái hồn của sách lại thiếu chất văn chương chữ tình, thiếu sức hấp dẫn người đọc. Cũng giống như các trò học môn Lịch sử, hay Địa lý thôi; có khi chúng ngáp dài rồi ngủ gật, nhưng cũng có khi chúng há hốc mồm nghe từng lời giảng không biết chán…Rõ ràng cái hồn của văn chương và tính nghệ thuật đã có sức lôi cuốn người đọc, người nghe đến mức nào. Và đây, khi còn trẻ, tôi vẫn nhớ chuyện cụ MaxSimGooKi khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Người Mẹ”, lúc đọc bản thảo, Cụ gật gù vừa lòng với mình nhưng khi đọc lại lần nữa – Cụ khóc…Và Cụ chợt nhận ra chính Cụ đã nhập vai độc giả. Với tác phẩm “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” của Tạ Đình Hạp, tuy không tới mức kinh điển, đồ sộ nhưng người đọc đã nhận ra ở anh sự lao động miệt mài, vất vả. Trí tuệ là một nhẽ đã đành! Song với công sức và thời gian gần 20 năm ấp ủ, với sự tìm tòi đọc trên 14 hạng mục tài liệu tham khảo để có 450 trang viết đầy đặn và thuyết phục đã minh chứng ở anh điều đó. Hơn thế, Nhà giáo Tạ Đình Hạp – Sự yêu mến làng quê với lòng kiêu hãnh về dòng tộc là vô tận. Bởi quê anh giàu có về tài nguyên và chiến tích, giàu có về truyền thống yêu nước và hiếu học, nó ở ngay trong nhân cách, lễ nghĩa tôn sư trọng đạo, trong sự cần cù lao động, lòng nhân ái giữa làng xã, tình người đùm bọc lẫn nhau lúc dư dả cũng như khi hoạn nạn. Nó cụ thể ở 39 Sắc phong của các triều đại, các bậc Minh quân thời Lê, thời Nguyễn với bao Tướng lĩnh tài ba đánh giặc giữ nước đã hiển Thánh, hiển Thần, nơi bao nhiêu Đền đài, Miếu mạo linh thiêng vẫn hiển hiện từ ngàn năm nay với những bức hoành phi, câu đối…Một Nhà giáo đã viết: Vằng vặc trời sao đêm đất Việt Ta mơ về một thuở cha ông Đồng thanh “Sát Thát” – Tan quân giặc Thật xứng danh con Lạc cháu Hồng. Người viết bài này chợt nhớ ra: Theo nghĩa Hán Nôm thì cái tên “Dị Nậu” còn có nghĩa là “Định Dạng Đầu Tiên” – Thế mới biết các bậc Thánh nhân xưa đã chọn nơi này là điểm khởi đầu của huyết mạch cội nguồn – Nơi trời đất giao thoa, đắc thủy, đắc địa lại đa nhân vượng khí. Dị Nậu thời xưa đã có đủ Tướng thần, nhân tài, võ giỏi, ông Tổng, ông Nghè, cụ trùm thì ngày nay toàn quân dân Dị Nậu đang được vinh dự là Anh hùng các LLVTND, cũng có đủ Tướng, Tá, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Lão thành CM nhiều tuổi Đảng, những Nhà giáo ưu tú, các Nhà khoa học, các bác sĩ, kỹ sư…trong các nghành nghề. Khi đọc cuốn sách “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” mà người đọc thấy mình như đang ở Dị Nậu, muốn được vinh dự làm dân Dị Nậu. Đó là sự thành công của Tác phẩm trong lao động có giá của Nhà giáo Tạ Đình Hạp. Người viết bài này – Với tư cách là đồng nghiệp – Xin chân thành như một nén nhang lòng gửi về quê hương Dị Nậu để kính bái chân linh các bậc Thánh Thần, liệt Tông, liệt Tổ nơi miền linh thiêng mà Đất Trời đã ban tặng – Xin chia vui và chúc mừng Tác giả: Bút nghiên nét sáng truyền văn đạo Trí tuệ minh thông viết sử Làng Chẳng thẹn một đời – Danh họ Tạ Còn lưu muôn kỷ - Gốc Văn Lang Ông đồ Dị Nậu tâm như ngọc Quý bạn – Đường thi chúc mấy hàng. Phúc Yên, ngày 20/11/2012 Nh. giáo Vũ Thi-Hội viên Hội Khoa học TLGDVN HVCLBSTVHNT Việt Nam Nguyên Chủ tịch Hội TĐNG tỉnh Vĩnh Phúc ĐT:0986102060. DỊ NẬU – LỊCH SỬ MỘT LÀNG QUÊ- TÁC PHẨM ĐẦY ẮP KIẾN THỨC TỔNG HỢP Trần Minh Thảo Nhà xuất bản Lao Động vừa cho ra đời tác phẩm “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” của tác giả Tạ Đình Hạp, một nhà giáo đã nghỉ hưu, hội viên Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc. Nhận được sách ông biếu, tôi ngạc nhiên vì thấy sách dày quá, những 450 trang khổ 14,5cm×20,5cm. Ban đầu tôi nghĩ: Lịch sử của một làng quê có gì ghê gớm mà viết nhiều quá vậy? So với nhiều cuốn sách Lịch sử Địa phương của các huyện, các tỉnh, kể cả tập sách Lịch sử Các triều đại Phong Kiến Việt Nam cũng chẳng có quyển nào bề thế được như cuốn: Dị Nậu – Lịch sử một làng quê. Nỗi băn khoăn trong lòng ngờ đâu lại trở thành niềm thôi thúc bắt tôi phải đọc hết cuốn sách. Ai ngờ không trở thành vô ích khi đã phải bỏ ra ba ngày hè nóng nực để đọc cho xong tác phẩm Lịch sử của một làng, do một ông giáo chuyên ngành vật lý biên soạn! Những điều đáng quý, đáng trân trọng, đáng học tập trong cuốn sách thì nhiều. Ở đây tôi chỉ nêu lên dược một vài nhận xét có tính khái quát: 1. Khác với nhiều cuốn Lịch sử, người viết chỉ thiên về Chất Sử, mà coi nhẹ các tính chất khác như Địa mạo, Văn hóa, Sinh thái, Địa chất…Trong cuốn sách “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” thì tác giả lại hết sức chú trọng và ghi chép rất đầy đủ, thậm chí rất tỷ mỉ về những yếu tố này. Ví dụ: Về Địa lý tự nhiên, ông ghi chép không bỏ sót một con suối, một gốc cây, một chòm tre, bụi nứa…Về Thủy sản ông nói rất đầy đủ từ con cá đến con tôm, con ốc. Về đồng ruộng, đồi gò, ông thống kê không dưới một trăm nơi. Về phong tục tập quán, ông hệ thống rất tỷ mỷ từ cách tế tự cho đến khao vọng, giá thú, tống táng v..v 2. Kiến thức của tác giả Tạ Đình Hạp là rất phong phú, kết hợp giữa kiến thức Dân gian cổ truyền với sự hiểu biết của khoa học hiện đại. Ví như khi nói về các cây thuốc dân gian thường dùng để chữa bệnh, ông tỏ ra rất rành rõ về bản chất sinh - lý – hóa của nó và chức năng chữa bệnh của từng loại cỏ cây được soi sáng dưới ánh sáng khoa học hiện đại. 3. Cách viết của Tạ Đình Hạp là cách viết của một nhà giáo. Ông mong để lại cho đời sau những hiểu biết của mình, nên khi trình bày về một vấn đề gì, ông cũng đi từ A đến Z. Chẳng hạn, ở phần văn hóa ẩm thực, khi trình bày về Mắm Tôm Đồng, ông đã bỏ cả một trang in để miêu tả từ hình dáng, kích thước con tôm diu đến cách bắt tôm, rửa tôm làm mắm tôm, thưởng thức mắm tôm theo các món lòng lợn, thịt lợn luộc, thịt chó, bún bánh đúc…làm cho người đọc phát thèm vì hình như đã ngửi thấy cả mùi vị thơm ngon đặc biệt của nó. 4. Tác phẩm “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” là một công trình nghiên cứu rất công phu, tốn nhiều thời gian và tâm huyết. Trong tác phẩm đã hàm chứa nhiều sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa, địa lý, nông lâm nghiệp, y dược, thủy sản, sinh thái địa chất rất chính xác, rất quan trọng. 5. Tôi cũng xuất thân từ một nông dân như ông Hạp, cũng hiểu biết về những vấn đề mà ông Hạp nêu ra, nhưng khi đọc cuốn sách của ông, mới thấy sự hiểu biết của mình còn quá sơ sài, nên tôi thấy rằng: Cuốn “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê” là cuốn sách Giáo khoa rất bổ ích cho mọi người. Tôi thầm cảm ơn tác giả. Và tôi tin chắc rằng, những người dân Dị Nậu và bầu bạn xa gần khi đọc tác phẩm này sẽ hứng thú và biết ơn nhà giáo Tạ Đình Hạp để lại cho đời một công trình đáng quý. Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ, Thảo Dân có bài thơ mừng thọ ông bạn già – Nhà giáo – Nhà thơ – Nhà khoa học Tạ Đình Hạp 75 tuổi. Mừng bạn xuân sang thọ bảy nhăm Đẹp như trăng sáng buổi trăng rằm Tài cao đắc dụng phò Thôn Xã Học rộng lưu truyền để tháng năm Dị Nậu Sử làng quê chói sáng Bạch Đằng - Địa chí gốc cần chăm Nhà thơ - Nhà giáo - Nhà khoa học Cùng Vợ đẹp đôi bát ngát tầm. Ngày 24-01-2013. Nhà giáo-Nhà thơ- Nhà văn Trần Minh Thảo.
Posted on: Sat, 27 Jul 2013 09:42:42 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015