Quay đầu lại là bờ by Doan Nguyen Nhiều người biết - TopicsExpress



          

Quay đầu lại là bờ by Doan Nguyen Nhiều người biết là kháng sinh không có tác dụng đối với siêu vi (virus) mà chỉ có tác dụng đối với vi trùng (bacteria) thôi. Hầu hết trường hợp ho cảm (viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản), ói, tiêu chảy, hay sốt ở trẻ em là do siêu vi gây ra. Vậy mà rất nhiều bé phải uống hoặc chích kháng sinh chỉ vì những bệnh do siêu vi trên. Kháng sinh sử dụng bừa bãi như thế sẽ gây ra nhiều điều hại: các tác dụng phụ của kháng sinh (tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong) hay đề kháng (lờn) kháng sinh (sau này khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, bởi vì vi trùng đã tìm được cách chống lại kháng sinh đó, và vì vậy người bệnh sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể tử vong. Kháng sinh, ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Những vi khuẩn có lợi này giúp tạo một môi trường cân bằng sinh thái ngay trong cơ thể để ngăn cản sự phát triển của những vi khuẩn có hại. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh nhiều và không chính đáng thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn. Một ví dụ dễ thấy ở VN là các bé uống kháng sinh nhiều thì sẽ rất dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, và vì vậy cứ phải "tiêu thụ" hết loại kháng sinh này đến kháng sinh khác, trong khi những bệnh nhiễm khuẩn đó vẫn chỉ là những bệnh gây ra do siêu vi, và thuốc điều trị tốt nhất là thời gian, tức là phải chờ đủ thời gian cho cơ thể hồi phục lại. Một trong những câu hỏi mà phụ huynh các bé hay hỏi nhất là "nếu con tôi đã dùng nhiều kháng sinh những lần trước thì lần này không dùng kháng sinh nữa nó có hết không? hay nó có bị sao không BS?". Những lúc đó tôi hay trả lời rằng "Nếu bé không sử dụng kháng sinh cho những lần bị những bệnh gây ra do nhiễm siêu vi như vậy nữa thì dần dần cơ thế bé sẽ được huấn luyện về miễn dịch và dần dần sức đề kháng của bé sẽ mạnh hơn, và bé sẽ ít bị những bệnh nhiễm khuẩn hơn, hoặc bé sẽ bị những bệnh đó nhưng sẽ lướt qua nhanh hơn." Tuy nhiên, để phụ huynh có thể chấp nhận và chịu khó chờ đợi bé chống lại bệnh, cần phải có sự kiên nhẫn giải thích hay thuyết phục của BS (cần có thời gian nữa, cái mà các BS rất thiếu!), cần có sự thông hiểu và hợp tác từ phía gia đình của bé (mâu thuẫn trong gia đình là một trong những rào cản chính đối với những phụ huynh muốn tránh lạm dụng thuốc cho con mình). Đôi khi, sự hợp tác và hiểu biết của phụ huynh đó còn quan trọng hơn nỗ lực (hay thời gian) của BS giải thích nữa. Vậy thì quyết định "quay đầu lại" không là tùy thuộc ở phụ huynh các bé, tùy thuộc vào sự hiểu biết, kiên nhẫn và, quan trọng nhất, sự hợp tác chặt chẽ với BS của con mình. Tôi thiết nghĩ đã có rất nhiều trường hợp "quay đầu lại" thành công và các bé sẽ được hạnh phúc biết bao nếu như không bị bắt uống những thuốc (đắng) khi bị bệnh mà vẫn "dã tật" Mong rằng khi quay đầu lại là mình bước lên bờ, chứ không ngoái lại nhìn dòng nước xoáy đang chảy kia để rồi...lại tiếp tục "trở lại dòng sống".
Posted on: Thu, 26 Sep 2013 15:44:22 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015