TÂM LÝ ĐẠO ĐỨC: TÌNH YÊU (NGHIỆP THAM ÁI) (Thượng - TopicsExpress



          

TÂM LÝ ĐẠO ĐỨC: TÌNH YÊU (NGHIỆP THAM ÁI) (Thượng toạ Thích Chân Quang) 1. ĐỊNH NGHĨA. Tham ái là tình cảm thương yêu giữa Nam và Nữ, thường khiến người ta tiến đến hôn nhân và tình dục. Đây là bản năng mạnh thứ hai so với bản năng sinh tồn của con người. Sống trên đời này, chúng ta bị nghiệp quá khứ cũng như bản năng nơi chính mình thúc đẩy tìm đến tình yêu đôi lứa với người khác phái để rồi từ tình yêu đôi lứa đó, chúng ta tiến đến hôn nhân và tính dục. Tạo hóa đã sắp đặt điều này để cho con người duy trì nòi giống của mình. Không chỉ riêng loài người, các loài vật khác cũng đều như vậy. Tuy nhiên, người tu không được phép nhiễm vào tham ái vì đây là vấn đề thuộc về giới cấm. Vừa thuộc giới cấm vừa do những khía cạnh tế nhị khác nên vấn đề tham ái cũng ít được nói đến. Tình yêu nam nữ hay tham ái (gọi theo danh từ trong đạo Phật) là khái niệm thuộc về tình cảm. Chúng ta đã biết, tình cảm là điều không thể định nghĩa được. Trong bài Từ bi, chúng ta cũng đã khẳng định Tâm từ là lòng thương yêu, là cái gì không thể định nghĩa được. Tình cảm nằm ở mức độ sâu hơn ý thức. Ở ý thức, chúng ta có ngôn ngữ gọi tên, có suy luận, có sự diễn đạt. Còn những trạng thái của tình cảm lại nằm ở cấp độ sâu hơn nên ngôn ngữ của ý thức không thể định nghĩa được. Con người chỉ có thể nhận thấy biểu hiện của nó và dựa vào đó biết rằng mình đã yêu. Đối với những lớp tình cảm còn nằm sâu trong vô thức, chúng ta lại càng không thể dùng tâm để điễn tả được. Ví dụ, trong nhà Thiền, chúng ta thường nghe nói đến trạng thái thiền định, tam muội, đại định…, nhưng những trạng thái ấy không thể suy tư được và ngôn ngữ cũng không bàn đến được. Càng vào sâu, càng chìm sâu vào lớp tâm thức ở phía dưới, ngôn ngữ càng không với tới được. So với những trạng thái này, tình cảm vẫn cạn hơn nhưng lại sâu hơn ý thức. Do đó, ngôn ngữ cũng không định nghĩa được. Đó là lý do vì sao khi nhắc đến tình yêu, người ta đã than: Làm sao định nghĩa được tình yêu. Có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt. Bằng mây nhè nhẹ gió nhẹ hiu hiu.” (Xuân Diệu) Tình yêu muôn đời vẫn là cái gì đó vô cùng bí ẩn mà con người không thể cắt nghĩa được, không thể hiểu hết được. Tagore - ông hoàng của thơ tình thế giới - cũng từng nói đến cái vô biên, vô tận của tình yêu: Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim Nào ai biết được chiều sâu và bến bờ của nó Em là nữ hoàng của vương quốc đó Ấy thế mà em có hiểu gì về biên giới của nó đâu. Cũng như bao nhiêu người khác, Xuân Quỳnh - nữ thi sĩ viết về tình yêu hay nhất trong văn học Việt Nam - cũng đi tìm nguồn gốc của tình yêu nhưng cuối cùng đành bất lực và thú nhận: Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa Khi nào ta yêu nhau. Tình cảm là như vậy, phức tạp và bí ẩn. Tuy nhiên, một điều lạ là tuy không định nghĩa được, chỉ cảm nhận thôi nhưng nó lại mạnh hơn ý thức. Phải chăng, cái gì càng hướng về chiều sâu, càng có sức mạnh hơn những cái xuất hiện trên bề mặt ? Ý thức vốn là cái xuất hiện trên bề mặt nên những suy luận của ý thức (chúng ta gọi là lý trí ) thường không chiến thắng được tình cảm. Trong thực tế, có những mối tình ngang trái, thậm chí vô lý mà người ta vẫn lao vào, bất chấp danh dự, bất chấp sự nghiệp, bất chấp tương lai, bất chấp cả cái chết. Chẳng hạn, một cô gái xinh đẹp, con nhà giàu có lại đi thương một anh chàng “du thủ, du thực”, không đạo đức, không nghề nghiệp, chỉ biết chơi bời lêu lỏng. Mặc dù gia đình ngăn cấm, tình yêu của họ vẫn ngày càng cháy bỏng. Khi người bố hỏi: “Con thấy người ấy có ưu điểm gì?”, cô gái không thể nào trả lời được. Không phải cô gái kia không nhìn thấy những điểm xấu của người yêu mình nhưng lúc này, lý trí đã làm theo sự sai bảo của con tim. Nếu hỏi tại sao lại đi yêu người đó, cô gái cũng không lý giải được. Hoặc có trường hợp, một người phụ nữ đã ở vào tuổi “ngũ thập” vẫn yêu một chàng trai hai mươi tuổi đến say đắm như thời còn vàng son con gái. Đó là tình yêu rất kỳ khôi, bình thường không thể chấp nhận được nhưng họ vẫn cứ yêu, không lý lẽ nào có thể giải thích được. Tại sao như vậy? Vì tình yêu luôn luôn mạnh hơn lý trí. Người ta vẫn thường nói: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi”. Đúng như vậy. Sức mạnh của tình yêu vượt lên những lý lẽ thường tình. Sở dĩ tình cảm có sức mạnh ghê gớm như vậy vì nó thuộc bản năng của con người. Như đã nói ở trên, đây là bản năng mạnh thứ hai so với bản năng sinh tồn của con người. Bản năng sinh tồn là sức mạnh tiềm tàng, thâm sâu trong con người, buộc con người phải duy trì sự sống. Bản năng mạnh thứ hai là bản năng hưởng thụ, là khuynh hướng thôi thúc con người đi tìm hạnh phúc. Và trong những vấn đề mà con người gọi là hạnh phúc ấy, có tình yêu. Tình yêu cũng là một loại hạnh phúc vì trong cuộc sống, con người luôn khao khát yêu thương và khao khát được thương yêu. Sống trên cuộc đời này, nếu không hề thương yêu ai cũng không được ai yêu thương, con người sẽ vô cùng đau khổ. Những người rơi vào hoàn cảnh như vậy thật đáng thương. Thậm chí, có người không chịu đựng nổi sự cô đơn, đau khổ ấy đã muốn tìm đến cái chết. Vì là bản năng mạnh thứ hai của con người nên tình cảm, nếu không được thỏa mãn, cũng gây nên những hậu quả đáng sợ. Bình thường, con người phải ưu tiên cho bản năng sinh tồn (duy trì sự sống) trước, sau đó mới đi tìm tình yêu, hạnh phúc. Nhưng có những lúc, tình yêu đã lấn át bản năng thứ nhất, đã tranh giành với bản năng thứ nhất. Nghĩa là đôi khi vì tình yêu mà con người phải tự tử, phải hủy hoại sự sống của mình. Thực tế đã cho thấy điều này. Không ít những chàng trai, cô gái vì thất vọng trong tình yêu đã uống thuốc độc hoặc nhảy xuống sông tự tử. Lịch sử văn học thế giới còn truyền tụng, ngợi ca mối tình bất hủ của chàng Rômêô và nàng Juliet. Bất chấp sự mâu thuẫn, thù địch giữa hai dòng họ, đôi trai tài gái sắc ấy vẫn yêu nhau say đắm. Khi bị người lớn phát hiện và tìm cách chia rẽ, họ đã tìm đến cái chết để được mãi mãi bên nhau. Chính cái chết của họ đã xóa đi ranh giới hận thù giữa hai dòng họ. Câu chuyện về mối tình trong sáng, thủy chung, mãnh liệt của Rômêô và Juliet đã trở thành kiệt tác của văn chương thế giới. Tình yêu có sức mạnh thật khủng khiếp. Tình yêu mạnh hơn cả cái chết. Với không ít người, tình yêu chính là sự sống. Vì vậy, khi đã thất bại trong tình yêu, họ sẽ vô cùng đau khổ và sự sống với họ lúc ấy không còn ý nghĩa nữa. Nói điều ấy để chúng ta thấy được sức mạnh khủng khiếp của tình yêu và luôn có ý thức giữ mình. Vì thuộc về bản năng nên tham ái luôn tiềm tàng trong mỗi con người. Trong đó có cả nguyên nhân của sinh lý là nội tiết tố sinh dục. Ở người nam có nội tiết tố nam là Testosterone. Người nữ có nội tiết tố nữ là Estrogen. Khi đến tuổi trưởng thành, những tuyến nội tiết của người nam và người nữ sẽ tiết ra hai nội tiết tố này tạo thành trạng thái tâm lý đặc biệt để người nam đi tìm người nữ và người nữ chờ đợi người nam. Đó là lý do vì sao khi lớn lên, con người lại phải yêu thương nhau. Theo các tài liệu y khoa, chính nội tiết tố nam là Testoterone đã thúc đẩy người nam yêu thích người nữ đã phát triển giới tính. Vì vậy, đứng trước một đứa trẻ khác giới, người đàn ông cảm thấy bình thường. Nhưng khi bé gái ấy đến tuổi dậy thì, tự nhiên người đàn ông sẽ nảy sinh tình cảm khi nhìn nó. Điều ấy diễn ra rất tự nhiên. Với người nam, không có thời điểm đặt dấu chấm hết cho tình yêu, cho sự rung động vì nội tiết tố vẫn còn hoạt động nên họ luôn bị thúc đẩy và vẫn cảm thấy thương yêu khi đứng trước người phụ nữ. Trong bộ phim Những con chim ẩn mình chờ chết có một nhân vật nữ rất thương vị linh mục trong khi bà ta đã lớn tuổi mà vị linh mục còn quá trẻ. Tất nhiên, vị linh mục đã từ chối tình yêu của người đàn bà ấy. Ông nói rằng: “Bà đã già rồi”. Bà ta trả lời: “ Tuy tôi già nhưng trái tim tôi không già”. Đó là câu nói rất nghiêm túc, rất chân thật. Đây cũng là điều mà tất cả chúng ta phải cảnh giác. Một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ già nhưng trái tim chúng ta sẽ không bao giờ già đi cùng tuổi tác. Nội tiết tố sinh dục chưa bao giờ chịu ngừng chảy trong máu mỗi người kể cả phụ nữ lẫn nam giới. Và vì thế, chúng ta không bao giờ chấm dứt được tình thương yêu. Vậy, làm sao con người biết được mình đang yêu hay đang rung động vì tình yêu? Tình yêu là loại tình cảm đặc biệt mà chúng ta chỉ có thể gọi tên chứ không định nghĩa được. Nhưng dựa vào bốn biểu hiện của tình cảm, con người có thể biết được mình đã và đang yêu. Thứ nhất, khi gặp người ấy, chúng ta cảm thấy lòng vui sướng . Thứ hai, khi xa người ấy, chúng ta thấy buồn nhớ và luôn nghĩ về họ. Thứ ba, chúng ta luôn muốn giúp đỡ người ấy (vì có tình yêu là do nợ quá khứ, chúng ta muốn giúp đỡ là để trả nợ). Thứ tư, do khuynh hướng ích kỷ, chúng ta chỉ muốn người đó thuộc về mình. Nếu thấy trong tim xuất hiện bốn hiện tượng này, chúng ta biết rằng mình đã yêu và ráng mà tìm cách vượt qua. Trong tình yêu, ngoài nguyên nhân thuộc về sinh lý còn do nghiệp duyên từ quá khứ. Vì duyên nợ ân nghĩa quá khứ, tham ái đã khiến con người sống kết đôi trong đời sống hôn nhân. Khi thương yêu ai, chúng ta phải hiểu rằng giữa mình và người ấy đã có mối quan hệ từ quá khứ xa xăm. Nếu mạnh mẽ, sự tương quan đó sẽ thúc đẩy chúng ta tìm đến với “người ta” để nên vợ, thành chồng. Chỉ với đời sống vợ chồng, con người mới lo lắng, chăm sóc, giúp đỡ nhau suốt năm này qua năm khác để trả nợ nhau. Nếu nợ quá khứ không nhiều, ơn nghĩa quá khứ không nhiều nhưng có duyên, con người vẫn có tình thương yêu trong một thời gian ngắn. Trong tình yêu, nếu để ý chúng ta sẽ thấy, ai mắc nợ nhiều sẽ thương người kia nhiều hơn. 2. TÌNH YÊU NAM NỮ ĐEM LẠI CẢM GIÁC HẠNH PHÚC CHO CON NGƯỜI. Với con người, thương yêu và được yêu thương là một niềm hạnh phúc. Tất nhiên, hạnh phúc chỉ đến trong buổi ban đầu, về lâu dài tình yêu sẽ làm cho con người đau khổ. Nhưng tại sao tình yêu nam nữ làm cho con người có cảm giác rất hạnh phúc? Điều này không thể lý giải được một cách rõ ràng. Nhiều khi chúng ta có cảm giác như đây là một cái bẫy mà tạo hoá đã giăng ra để con người vướng vào. Và một khi đã vướng phải, con người thật khó tìm được lối ra. Trong bài Ta yêu em lầm lỡ, một nhà thơ - nhạc sĩ đã thốt lên: Ôi chông gai đầy lối, Cất bước đi về đâu? Bản chất của tình yêu là vậy. Do Nhân Quả quá khứ nên chúng ta bị thúc đẩy, bị hướng về, bị dồn tâm vào một đối tượng nào đó và tạo thành tình yêu. Trừ trường hợp những người mắc bệnh “đa tình”, hoặc bị đổ vỡ về nhân cách, họ có thể hướng tâm về nhiều người nhưng không theo duyên nghiệp quá khứ mà theo sự thúc đẩy của nội tiết tố. Gặp bất cứ người con gái nào, người đàn ông cũng tán tỉnh, cũng dụ dỗ, cũng muốn chiếm đoạt. Họ chọc ghẹo tán tỉnh, nói lời yêu thương với người khác nhưng đó không phải là tình yêu nghiêm túc. Họ chỉ theo bản năng của nội tiết tố đi tìm niềm vui cho mình để thỏa mãn sự háo thắng, thỏa mãn khuynh hướng chiếm đoạt của một người đàn ông. Đó là những người không có đạo đức. Chính nội tiết tố đã tạo ra hai khuynh hướng khác nhau giữa người nam và người nữ. Người đàn ông thích chinh phục hay tìm đến, còn người phụ nữ lại chờ đợi sự chinh phục và rất dễ xiêu lòng. Ở các nước phát triển, xã hội ngày càng văn minh, người ta bắt đầu đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ. Nữ giới không chỉ biết chờ đợi mà còn có thể chinh phục nam giới. Cảm xúc hạnh phúc trong tình yêu rất mãnh liệt đã tạo nên niềm hứng khởi, nguồn cảm xúc tràn đầy trong các tác phẩm nghệ thuật của thế giới, của nhân loại. Từ xưa đến nay, chúng ta có vô số những thi phẩm, nhạc phẩm nói về tình yêu. Nghệ thuật là sự sáng tạo trên cơ sở của cảm xúc. Tình yêu đã cho người nghệ sĩ cảm xúc và thúc đẩy sự sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ chưa vượt khỏi tình cảm thường tình của con người để tìm đến và có cảm xúc mạnh mẽ đối với những tình cảm cao thượng hơn. Đây là điều đáng tiếc. Thỉnh thoảng, bắt gặp một vài nhạc sĩ, thi sĩ ca ngợi những tình cảm khác ngoài tình yêu, chúng ta trân trọng, quý giá vô cùng. Đó có thể là những bài thơ ca ngơiï quê hương: Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày… Quê hương là con đò nhỏ. Êm đềm khua nước ven sông… (Đỗ Trung Quân) Hoặc tự hào về đất nước: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”. Rồi những bài ca thời kháng chiến dạt dào cảm xúc như: Nương chiều Chiều ơi! Lúc chiều về ngập ánh trăng phai. Hoặc: Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương, Phố phường nhiều chiều vắng quê hương. Những câu hát ca ngợi nét đẹp buổi chiều, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi cánh đồng quê thật tuyệt vời. Trước cảnh đẹp ấy, con người bỗng lo sợ một ngày nào đó khi phố phường mọc lên đầy, người ta không còn nhìn thấy quê hương qua hình ảnh nương dâu, rẫy mía… nữa. Nghe những bài thơ, bài hát ấy, tâm hồn chúng ta như được thư giãn, cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Sau một thời gian Nhà nước ngăn cấm không cho phép hát những bài hát tình yêu uỷ mị, trong thời kỳ đổi mới, người ta bắt đầu quay lại sáng tác những bản nhạc tình yêu. Những năm gần đây, một số ca khúc viết về tình yêu cũng được giới trẻ ưa chuộng. Khuynh hướng của tình yêu nam nữ luôn tiềm tàng trong con người như một lẽ tự nhiên và người ta xem đó là cái đẹp. Vì vậy, nhiều khi chưa có người yêu, người ta vẫn có thể đưa vào thơ mình những lời bay bướm chỉ dành cho tình yêu. Đây là lời “tự thú” của một Thầy khi nói về thời trai trẻ của mình. Vào năm mười bảy, mười tám tuổi, nhân dịp Tết khi sống một mình trong rẫy, xung quanh chỉ có dòng suối trong uốn lượn, chim hót véo von và sương rơi rơi trên lá, người ấy đã cảm xúc và làm một bài thơ về Tết. Trong bài thơ mùa xuân ấy có đoạn: Này cô bé có yêu tôi sẽ biết Trong lòng tôi vui vẻ biết bao nhiêu. Khi thấy cô đôi má thắm đỏ nhiều Theo tuổi lớn tình xuân nồng phơi phới. Thực ra, lúc bấy giờ người ấy vẫn chưa yêu ai. Điều này chứng tỏ rằng, tình yêu nam nữ luôn tiềm tàng, luôn chờ đợi đâu đó trong mỗi con người. Nhưng niềm hạnh phúc cũng như nỗi đau khổ của tình yêu luôn dằn vặt nhân loại qua nhiều thời đại. Sự hưởng thụ hạnh phúc luôn làm phát triển khuynh huớng ích kỷ. Đây là công thức tuyệt đối đúng. Trong bài Ý nghĩa của hạnh phúc, chúng ta đã nói đến vấn đề này. Ở đây, chúng ta không bàn kỹ nhưng nói một cách tổng quát, tâm ích kỷ sẽ làm con người đổ vỡ đạo đức và tạo nghiệp. Khi đã tạo nghiệp, chúng ta sẽ chịu nhiều đau khổ. Mà nguyên nhân tạo thành ích kỷ là sự thụ hưởng hạnh phúc. Tất nhiên, bản thân hạnh phúc không có lỗi nhưng khởi tâm hưởng nó là trong chúng ta bắt đầu phát triển tâm ích kỷ. Thực ra, khi biết đạo, chúng ta sẽ sống tốt, thương yêu con người, làm được nhiều việc phước giúp đỡ mọi người. Theo luật Nhân Quả, những điều đó sẽ đem đến cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc vào ngày mai. Nhưng khi hạnh phúc đến, nếu tận hưởng, dần dần chúng ta sẽ trở thành con người ích kỷ. Ngược lại, nếu không hưởng, chúng ta sẽ không rơi vào ích kỷ. Nhưng hạnh phúc đến mà không hưởng là điều rất khó. Điều này đòi hỏi rất nhiềâu ở bản lĩnh tu tập của chúng ta. Ví dụ, một cư sĩ do kiếp trước bố thí rộng rãi nên đời này được giàu sang. Khi giàu sang, họ có trong tay tiền muôn bạc vạn, nhà cao cửa rộng, xe cộ xênh xang. Nếu tận hưởng sự giàu sang ấy, họ cảm thấy thích thú vì mình hơn những người khác và đâm ra kiêu ngạo. Rồi họ sẽ trở thành người ích kỷ. Đây là lý do tại sao có những người giàu lại rất ích kỷ. Trong khi đó, những Phật tử có căn lành sâu dày hơn, đời trước làm phước đời này được giàu sang nhưng vẫn biết tu giữ tâm mình. Khi thấy tiền bạc đến, họ không xem đó là vinh quang, không tận hưởng, vẫn biết dùng tiền bạc đó tiếp tục bố thí. Những người như vậy tuy giàu sang vẫn không ích kỷ. Hoặc do đời trước trồng nhiều căn lành, làm được nhiều việc phước thiện, bây giờ thành công và được nhiều người ca ngợi, xưng tụng, chúng ta cảm thấy sung sướng, hạnh phúc. Đó là quả báo đời trước. Nhưng nếu chúng ta tận hưởng, khởi thích thú tận hưởng thì dần dần sự ích kỷ sẽ xuất hiện. Nếu trước những sự xưng tụng của người khác, lòng chúng ta vẫn bình thản thì ích kỷ sẽ không xuất hiện. Tuy nhiên, phải có bản lĩnh chúng ta mới làm được điều này. Tương tự như vậy, hạnh phúc trong tình yêu buổi ban đầu luôn làm tăng khuynh hướng ích kỷ của con người vì tình yêu đem lại cảm giác hạnh phúc rất mạnh. Hạnh phúc càng lớn, ích kỷ càng dữ dội. Vì vậy, trong thực tế, chúng ta từng chứng kiến nhiều trường hợp người ta giành giật, ghen tuông với nhau một cách gay gắt và khốc liệt. Như vậy, tình yêu nam nữ (tham ái) luôn luôn tạo thành sự ích kỷ. Theo Tứ Diệu Đế, ích kỷ là nguyên nhân của đau khổ. Ích kỷ làm đổ vỡ dần Đạo đức, đưa con người đến tham lam, tranh giành, sân hận…Và nghiệp bất thiện cũng được hình thành từ sự ích kỷ đó. Vì vậy, theo giới luật, tu sĩ không được phép yêu thương, luyến ái riêng tư . Và không riêng gì tình yêu, tất cả những gì đưa đến khoái cảm của hạnh phúc, người tu cũng bị cấm. Nếu vướng vào tình yêu, vào những khoái cảm hạnh phúc, người tu sẽ rơi vào ích kỷ, tạo nghiệp rồi đau khổ. Điều này đi ngược lại với mục tiêu Giải thoát của đạo Phật. 3. THAM ÁI KHÔNG ỔN ĐỊNH. Một điều chúng ta thường thấy là tình yêu thường không bền vững, dễ thay đổi mặc dù khi yêu, người ta luôn thề non hẹn biển, nguyện yêu nhau đến suốt đời. Sở dĩ như vậy vì bản chất của tình yêu là trả nợ quá khứ và tìm hạnh phúc cho riêng mình. Xét theo Nhân Quả, chúng ta thương yêu người nào là có duyên với người đó ở quá khứ. Chính duyên nợ quá khứ thúc đẩy chúng ta phải thương yêu. Xét theo khía cạnh tâm lý, chúng ta thương yêu người khác vì nghĩ rằng khi gắn bó với họ chúng ta sẽ được hạnh phúc. Mỗi người có cách đánh giá, chọn lựa người bạn đời cho mình theo tiêu chuẩn riêng. Thông thường, người nam thích chọn người phụ nữ đẹp. Có thể ban đầu, đẹp là tiêu chuẩn đầu tiên nhưng sống với nhau lâu ngày, người ta lại thích người có tính tốt. Đây là kinh nghiệm chung của không ít người nam. Trong khi đó, người nữ lại thích người có tài, khâm phục người có tài. Tâm lý của người phụ nữ là chỉ thương yêu khi có sự kính phục. Như vậy, xét đến cùng, bản chất của tình yêu vẫn là sự ích kỷ. Dựa trên hai yếu tố đó, chúng ta có thể kết luận tình yêu không có sự bền vững. Vì bản chất của tình yêu là trả nợ cũ nên người ta thương nhau khi còn nợ, và khi đã hết nợ, tình thương cũng không còn. Có những cặp vợ chồng yêu nhau say đắm nhưng ở với nhau được bốn, năm năm, tự nhiên tình cảm lạnh như băng không sao hiểu nổi. Điều này chỉ có thể giải thích bằng nguyên nhân do đã trả hết nợ quá khứ. Ví dụ, trong hai người, người vợ là người mắc nợ nên tự nhiên yêu thương say đắm người đàn ông kia và làm quần quật để nuôi ông ta. Người chồng vì có người nuôi nên ỷ lại, sống phè phỡn, suốt ngày chỉ lo ăn nhậu. Người vợ vì còn nợ nên cố gắng làm việc cực khổ nuôi chồng. Nhưng bốn, năm năm sau, khi đã hết nợ, tự nhiên cô ta trở nên lạnh băng băng. Tình yêu của bốn năm trước đã biến mất, không còn một chút nào. Sau đó có thể là một cuộc chia tay. Như vậy, tình yêu không ổn định vì lệ thuộc vào nợ nhiều hay ít của quá khứ. Ngoài ra, sự ích kỷ cũng là nguyên nhân khiến cho tình yêu không bền vững. Ví dụ, ngày xưa, khi còn yêu nhau, người đàn ông cảm thấy người bạn đời có thể đem đến cho mình hạnh phúc vì người này vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang. Nhưng sống với nhau một thời gian, ông ta mới phát hiện ra người vợ có những tật xấu như: lười biếng, ích kỷ, hay cằn nhằn, không quý mến gia đình chồng vv… Người chồng cảm thấy chán nản vì người vợ không đem đến cho mình hạnh phúc. Tình yêu trong lòng ông ta cũng biến mất. Tình yêu vốn không ổn định và không có gì có thể bảo đảm sự lâu dài, bền vững cho tình yêu kể cả hôn nhân, giá thú. Một khi không còn yêu thương nhau, tờ hôn thú vốn được coi là sự ràng buộc kia cũng chẳng có ý nghĩa gì. Người ta có thể xé bỏ nó hoặc ra tòa xin ly hôn. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thấy sự đời hay vô thường, thay đổi. Một yếu tố khác làm nên sự không bền vững của tình yêu là do thiên hướng của người nam và người nữ. Người nam thích chinh phục và cho rằng càng chinh phục được nhiều người càng chứng tỏ mình tài giỏi, đào hoa. Có người còn quan niệm: “Yêu hai mươi, chọn mười, lấy một”. Hoặc chơi với nhau một nhóm, người nào cũng thi nhau có nhiều người yêu để có thành tích bằng nhau. Như vậy, đó chỉ là bản năng, sự háo thắng của người đàn ông chứ không phải là tình yêu. Trong khi đó, thiên hướng của người nữ là dễ xiêu lòng. Người ta thường nói: “ Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai”. Nghĩa là người đàn ông thường bị chinh phục bởi sắc đẹp, còn phụ nữ dễ bị xiêu lòng bởi những lời đường mật. Nhiều người thấy mình tương đối đẹp trai, ăn nói khéo léo nên gặp ai cũng chọc ghẹo và nói lời yêu thương. Những lời nói ấy không chân thật nhưng phụ nữ vốn dễ xiêu lòng nên chấp nhận tình yêu. Cuối cùng, những mối tình ấy nhanh chóng tan thành mây khói. Mặt khác, tâm lý thích thú với cái mới cũng ảnh hưởng đến tình yêu và hôn nhân, khiến cho tình yêu, hôn nhân không bền vững. Tâm lý con người là vậy, thích một bản nhạc hay nhưng nghe hoài lại chán; thích một món ăn ngon nhưng ăn liên tục nhiều lần lại cảm thấy sợ. Trong tình yêu cũng vậy, người ta thường hay thích cái mới. Điều này thường gặp ở người nam hơn người nữ. Người phụ nữ thường chung thủy hơn người nam. Người đàn ông dù có vợ con đề huề nhưng ra đường gặp cô nào xinh đẹp cũng để ý, làm quen. Nhiều phụ nữ cho rằng đàn ông mang bản chất của loài bướm, thấy bông hoa nào xinh đẹp, thơm tho cũng sà vào. Đây cũng là vấn đề tế nhị nhưng quả thật, càng ngày người ta càng không tin vào đàn ông. Chính sự không chung thủy, ham thích cái mới, cái lạ ấy của con người đã khiến không ít cuộc hôn nhân bị tan vỡ. Tâm lý ấy cũng do yếu tố nội tiết tố quy định. Vì vậy, khi bước vào con đường tình yêu, chúng ta phải hiểu đó là bước vào con đường chông gai, bước vào biển đời sóng gió. Chúng ta đừng nghĩ đơn giản, khi trưởng thành, kết duyên đôi lứa là yên thân, là có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có những người yêu chân thật và đem lại cho tình yêu sự bền vững. Đó là những người có đạo đức và rất thông minh. Vì tình yêu thuộc về bản năng, có cảm xúc mãnh liệt và ích kỷ mạnh mẽ nên để có một tình yêu chân chính, bền vững, những người yêu nhau phải đạt những tiêu chuẩn nhất định. Ông Schopenhower từng nói: “ Chỉ có những triết nhân mới có thể sống hạnh phúc trong tình yêu hôn nhân nhưng chỉ tiếc hễ là triết nhân thì không lập gia đình và không yêu ai”. Theo ông, triết nhân có nghĩa là người có đạo đức và rất thông minh. Chỉ những người có đạo đức cao và rất thông minh mới yêu một cách đúng nghĩa. Trong cuộc sống, để có một gia đình hạnh phúc, khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình, người ta phải tế nhị, phải chiều chuộng nhau, phải biết hy sinh bản thân mình, biết sống vị tha, quan tâm đến người khác, phải nhận ra những điều còn sâu kín chưa biểu hiện ra bên ngoài, phải biết chịu đựng cực khổ… Tiêu chuẩn cho con người trong đời sống gia đình khó và mệt mỏi như vậy. Cho nên, những người chưa bước vào cuộc sống hôn nhân tốt hơn hết là đem sự thông minh, đạo đức của mình thương yêu tất cả mọi người.
Posted on: Sun, 17 Nov 2013 14:11:52 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015