TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH - SỰ KIỆN NHÂN CHỨNG - QUÂN - TopicsExpress



          

TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH - SỰ KIỆN NHÂN CHỨNG - QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN LÁ THƯ CUỐI CÙNG QĐND- Có một người vợ liệt sĩ, chồng hy sinh ở Mặt trận Đường 9- Khe Sanh năm 1968, đã vượt qua đau khổ, khó khăn, ác liệt trong thời chiến để phấn đấu trở thành một giám đốc nổi tiếng và nuôi ba đứa con ăn học thành đạt. Bà là Huỳnh Thị Hiệp, nguyên Giám đốc Nhà máy bánh kẹo Hải Hà. Tôi gặp bà Huỳnh Thị Hiệp trong buổi lễ kỷ niệm 59 năm Chiến thắng Him Lam (Điện Biên Phủ) và 90 năm ngày sinh của Trung tá liệt sĩ Lê Nam, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 141, Sư đoàn 312- đơn vị tiến công Him Lam. Bà là trung tâm của buổi lễ, bởi bà là vợ của liệt sĩ Lê Nam. Suốt buổi lễ, bà khóc ròng. Khóc vì thương nhớ chồng, khóc vì sung sướng khi 3 người con một tay bà nuôi giờ đều thành đạt, khóc vì cảm động trước tình động đội của Ban Liên lạc CCB Tổng cục Chính trị, đơn vị đồng tổ chức buổi lễ. 45 năm kể từ ngày người chồng hy sinh, quá khứ về một tình yêu giản dị, ấm áp, vượt qua bao khó khăn vất vả hy sinh vẫn chung thủy lại hiện về trong tâm trí bà… Huỳnh Thị Hiệp sinh năm 1930 tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 16 tuổi, cô du kích Hiệp phụ trách đội nữ dân quân xã đánh Pháp trong Kháng chiến toàn quốc, 17 tuổi được kết nạp vào Đảng. Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, cô Trưởng ban nữ dân quân huyện Điện Bàn ấy chỉ lo đánh giặc mà không hề vương vấn chuyện riêng tư, mặc dù có nhiều chàng trai ngỏ lời. Năm 1954 thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, Huỳnh Thị Hiệp tập kết ra Bắc và được phân công về Nhà máy Dệt Nam Định công tác. Trong một đám cưới của một cô bạn có nhiều anh bộ đội ở Hà Nội xuống dự, bà quen với một anh cán bộ dáng cao cao, khuôn mặt sáng sủa, tuổi ngoài 30. Quen và quý thế thôi, nhưng bà không ngờ rằng, bà đã làm cho trái tim của chàng trai người Đức Thọ, Hà Tĩnh ấy rung động… Chàng trai đó tên là Lê Nam (Trần Ngọc Quế). - Quen nhau trong đám cưới, không ngờ sau đó ông ấy viết thư tỏ tình và hay xuống thăm tôi. Ban đầu tôi rất phân vân. Ông hơn tôi 7 tuổi, có học vấn cao, hiểu biết rộng, lại là người miền Bắc, trong khi đó tôi còn trẻ, còn muốn phấn đấu nên ngại lắm. Nhưng rồi bạn bè động viên, ông cũng khéo “dân vận”, lại thường bày vẽ cho tôi về cuộc sống, về đối nhân xử thế nên tôi rất cảm phục. Và tình yêu đến khi nào không biết-Bà Hiệp xúc động kể, đôi mắt vẫn ngấn lệ sau lễ kỷ niệm. Vốn kiệm lời và khiêm tốn, chàng trai đó ít nói về mình. Sau này khi đã thành vợ chồng và được đọc hồi ký “Chiến thắng Him Lam” của Đại tá Mạc Ninh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, bà mới biết ông từng là Chủ nhiệm chính trị của đơn vị lĩnh ấn tiên phong đánh trận mở màn tiêu diệt cứ điểm Him Lam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo Đại tá Mạc Ninh kể lại, Lê Nam là cán bộ chính trị năng động, nhiệt tình, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ. Đêm 13-3-1954, khi trung đoàn nổ súng tiến công Him Lam, dù đang bị sốt rét, ông vẫn tích cực tham gia chiến đấu. Ở thời điểm ác liệt nhất của trận chiến, khi lớp hàng rào cuối cùng bị địch dùng hỏa lực ngăn chặn, quân ta hy sinh nhiều mà chưa thể vượt qua, người Chủ nhiệm chính trị ấy đã xung phong từ sở chỉ huy xuống trực tiếp chỉ đạo Tiểu đoàn Phủ Thông khai thông và đánh chiếm cao điểm này… Họ cưới nhau năm 1956 tại nhà khách Tổng cục Chính trị ở Cửa Đông, năm 1957 có đứa con gái đầu tiên. Năm 1958 bà được cử đi học ở Trường Quản lý xí nghiệp, sau đó về công tác tại Bộ Công nghiệp nhẹ. - Được công tác ở Hà Nội tưởng gần chồng, nhưng ông nhà tôi đi suốt. Ông lúc đó là Trung tá, Trưởng phòng Giáo dục-Huấn luyện (nay là Phòng Tuyên truyền-Cổ động) của Cục Tuyên huấn nên đi kiểm tra hết quân khu này đến quân khu khác. Ông mồ côi bố mẹ từ nhỏ, còn gia đình tôi thì ở trong Nam, nên sau này một thân tôi vừa công tác vừa chăm lo cho ba con ăn học. May mà còn có tập thể giúp đỡ… Ông là người hiền lành, ít nói, học rộng, thương vợ thương con nhưng hết mình cho công việc nên rất ít dành thời gian cho gia đình. Biết vậy, bà tự mình phấn đấu nuôi dạy con cái để ông yên tâm công tác. Lấy nhau bao nhiêu năm, bà nhớ chỉ một lần duy nhất nặng lời với ông. Đó là năm 1962, khi sinh con thứ ba, bà đón hai đứa con gửi ở nhà trẻ về ăn Tết, hy vọng ông ở nhà để các con đỡ tủi thân. Nhưng không hiểu sao ông vẫn đi. Đến khi ông về, bực quá, bà mới nói với ông: “Anh ngồi đây nghe tui nói. Tui mới sinh còn yếu. Thằng Văn (Trần Minh Văn, con trai thứ hai của ông bà, nay là Phó tổng giám đốc Công ty Vinamilk-TG) gửi nhà trẻ ăn uống sao đó bị đi ngoài. Anh cứ đi suốt, sao không xin nghỉ vài ngày mà chăm con”. Ông ngồi lặng người, không nói câu nào, đôi mắt đượm buồn và lo âu. Nhìn ông như vậy, bà không cầm được nước mắt. Bà biết, ông mồ côi bố mẹ từ nhỏ, sống rất tình cảm. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh lúc đó buộc ông phải lao vào công việc. Không riêng gì ông, cả một thế hệ người lính Cụ Hồ hồi đó đều “dĩ công vi thượng”, đặt công việc của đất nước, của quân đội lên trên hết. Từ đó, bà chịu đựng vất vả, gian khổ vừa công tác vừa nuôi dưỡng con, không trách móc ông điều gì nữa. Năm 1965, khi Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, ông càng ít có điều kiện ở nhà. Một nách ba con nhỏ, lại là Trưởng phòng Tổ chức Nhà máy thuốc lá Thăng Long trong hoàn cảnh thời chiến, người phụ nữ mảnh mai là bà đầu tắt mặt tối suốt ngày. Chiến tranh ngày càng ác liệt, ba con phải sơ tán hai nơi, đứa thì ở Thạch Thất, đứa ở Hà Đông, bà vừa bám trụ nhà máy vừa chiến đấu vừa sản xuất, lại tranh thủ đạp xe mấy chục cây số để thăm nom các con. Những đêm dài trong nắng hè hay đêm đông giá buốt, sau khi trực chiến về, ngồi một mình trong căn nhà khu tập thể quân đội ở Ông Ích Khiêm mà lòng bà tê tái nhớ chồng, nhớ con… Năm 1967, khi Quân ủy Trung ương thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9- Khe Sanh do Phó tổng Tham mưu trưởng Trần Quý Hai làm Tư lệnh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo làm Chính ủy, Trung tá Lê Nam vừa đi B ra vài tháng lại xung phong vào chiến trường. Ông được điều làm Trưởng phòng Tuyên huấn Mặt trận. Vẫn tác phong xông xáo của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ông đến tận những nơi ác liệt nhất của chiến sự để nắm tư tưởng bộ đội, tuyên truyền cổ vũ mọi người thực hiện đòn chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh sắp tới. Với gia đình, ông vẫn “dĩ công vi thượng”. - Vào tới chiến trường, khi nghe tin tôi được trên dự định điều động làm Giám đốc Nhà máy thuốc lá Lạng Sơn, ông ấy viết thư động viên tôi nhận nhiệm vụ, mặc dù lúc ấy chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc đang ác liệt, chồng ở xa, con cái sơ tán mỗi đứa mỗi nơi- Bà Diệp bồi hồi nhớ lại. Đến bây giờ, dù tuổi ngoài 80, bà vẫn nhớ như in lá thư đó, với nét chữ phóng khoáng của chồng. Cả lá thư hầu như chỉ nói đến công việc của vợ, đều mong muốn vợ tiến bộ trong công tác: “ Em yêu, Công tác của em như đã bàn ở nhà, nếu các anh ấy đã có ý kiến như vậy, em cứ đi. Chuẩn bị đồ rét, thuốc đầy đủ. Đem sâm đi dùng, kiếm thêm ít thuốc bổ, lên đó tìm cách bồi dưỡng thêm, đừng tiếc tiền… Thời gian đầu, tình cảm khó khăn đấy, em cố gắng đấu tranh để yên tâm, rồi sau đó nó quen đi. Như anh đã nói, coi như là một thời kỳ mới, gia đình phân tán, tình mẹ con tình vợ chồng, phải tự đấu tranh nhiều đấy… Em cố gắng giữ gìn sức khỏe để mà lo liệu, đừng lo lắng gì cho anh. Suy nghĩ vẩn vơ cũng chẳng có ích gì, chỉ thêm buồn. Em cố gắng vui lên thì mới sáng suốt được…” Thư ông viết đề ngày 23-12-1967 thì đến ngày 29-1-1968, tức là ngày Mồng Một Tết Mậu Thân lịch sử, ông hy sinh trong một trận bom B52 của Mỹ rải trúng vào Bộ Tư lệnh Mặt trận. Đó là lá thư cuối cùng ông để lại cho bà và các con. 45 năm qua, thương nhớ khôn nguôi người chồng yêu dấu, bà ở vậy nuôi con và phấn đấu tiến bộ theo sự mong mỏi của ông. Những ngày ác liệt nhất, như cuộc tập kích 12 ngày đêm bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội tháng 12-1972, bà vừa là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, vừa là Chính trị viên Đại đội pháo cao xạ của Nhà máy bánh kẹo Hải Hà kiên gan bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu. Năm 1977, bà được điều vào Thành phố Hồ Chí Minh làm giám đốc Công ty bột mì miền Đông với bao bộn bề công việc sau ngày thành phố mới giải phóng. Cứ thế, người phụ nữ mảnh mai ấy từ đau khổ, mất mát đã vươn lên bằng nghị lực phi thường, vượt qua chiến tranh ác liệt, vượt qua những ngày gian nan của thời kỳ đầu Đổi mới để trở thành người phụ nữ thành đạt trong công việc và nuôi dạy con cái, theo ước nguyện trong lá thư cuối cùng mà người chồng để lại. Năm 1990, gia đình bà xin phép Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn di dời hài cốt của ông về Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh để bà có điều kiện hương khói, chăm sóc ông trong những ngày cuối đời. - Tình yêu của chúng tôi là vậy, đầm ấm, thủy chung, yêu thương và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Nó cũng giản dị như bao mối tình khác trong thời chiến, cháu ạ- Bà Huỳnh Thị Hiệp nói với tôi như vậy. HỒNG SƠN qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/89/70/266/266/266/246721/Default.aspx
Posted on: Sun, 07 Jul 2013 21:41:18 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015